Là Cảng vụ duy nhất trong khối Cảng vụ hàng hải quản lý tới 12 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, nhiều năm liền Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng duy trì tốt trật tự an toàn hàng hải trong khu vực quản lý. Trao đổi với phóng viên Tạp chí HHVN, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang Nguyễn Đình Việt cho biết, trong 12 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, tuyến Rạch Giá – Phú Quốc gồm 3 tuyến từ Rạch Giá đến Hàm Ninh, Rạch Giá đến An Thới và Rạch Giá đến Bãi Vòng (Phú Quốc); tuyến Hòn Chông – Phú Quốc gồm 3 tuyến từ Hòn Chông đến Hàm Ninh, An Thới, Bãi Vòng (Phú Quốc); tuyến Hà Tiên – Phú Quốc gồm 5 tuyến từ Hà Tiên đến Hàm Ninh, Gành Dầu, An Thới, Bãi Vòng, Thổ Chu (Phú Quốc); và tuyến Rạch Giá – Nam Du. Trong 12 tuyến vận tải thủy, tuyến nào mới được đưa vào khai thác và tuyến nào đã khai thác lâu năm, thưa ông? Trong các tuyến kể trên, thì tuyến từ Rạch Giá đi Phú Quốc, Rạch Giá đi huyện đảo Kiên Hải (gồm nhiều xã đảo khác nhau) và Hà Tiên đi Phú Quốc (bao gồm cả xã đảo Thổ Châu) là những tuyến dân sinh lâu đời nhất, phục vụ nhu cầu của người dân sinh sống ở các đảo; sau này khi kinh tế và du lịch phát triển, các tuyến khác hình thành theo nhu cầu như từ Hòn Chông đi Phú Quốc, Hà Tiên đi Hàm Ninh – Bãi Vòng – Đá Chồng… Thưa ông, quản lý tới 12 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, chắc hẳn Cảng vụ gặp rất nhiều khó khăn? Đúng vậy, có thể liệt kê một số khó khăn chính như sau: - Về cơ sở pháp lý để triển khai, thì ngoài Quyết định số 1818/QĐ-BGTVT ngày 23/6/2009 của Bộ GTVT về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam và Quyết định số 601/QĐ-CHHVN ngày 02/7/2009 của Cục trưởng Cục Hàng hải VN về giao nhiệm vụ quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, thì còn lại tất cả đều chưa rõ ràng, nhất là các khái niệm về song trùng quản lý, về áp dụng pháp luật có liên quan, về phân định và cách hiểu thẩm quyền trong quản lý, xử lý vi phạm, phạm vi quản lý… Nói chung, khi triển khai quản lý thì gặp hàng loạt các phát sinh cần giải quyết trong thực tế. - Về cơ sở vật chất hạ tầng cầu bến cảng còn thiếu thốn và yếu kém, có những cầu bến xây dựng xong nhưng không làm các thủ tục công bố, luồng lạch không được khảo sát công bố, chủ yếu sử dụng luồng tự nhiên, và hành trình dựa vào kinh nghiệm của thuyền trưởng. - Phân cấp cũng như chất lượng đăng kiểm phương tiện còn chưa đồng bộ, đội ngũ thuyền viên chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định. - Do mới chấp hành sự quản lý nhà nước chuyên ngành nên các chủ tàu, thuyền trưởng còn lúng túng và ý thức tuân thủ quy định pháp luật hàng hải chưa cao. - Thông tư 20/2011/TT-BGTVT ngày 31/3/2011 và Thông tư 14/2012/TT-BGTVT ngày 27/4/2012 của Bộ GTVT về quản lý hoạt động tàu cao tốc và vận tải hành khách đường thủy nội địa khi đưa vào áp dụng đối với tàu biển hoạt động tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo có rất nhiều điểm chưa phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. - Cảng vụ hiện đang quản lý một địa bàn rộng, đa dạng và phức tạp; một số đầu tuyến nằm ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới…, đường sá đi lại khó khăn và nguy hiểm; cơ sở vật chất, phương tiện của đơn vị còn thiếu, đa số phải thuê mướn; số lượng cán bộ công chức đã ít lại phải dàn trải để đảm bảo việc kiểm tra cấp phép cũng là một khó khăn lớn cho Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang. - Hiện các tuyến Cảng vụ đang quản lý chỉ có tàu khách hoạt động, nhưng trên thực tế còn các tuyến khác về mặt khoảng cách và điểm đi và đến đều tương đương (chưa có trong Quyết định số 1818/QĐ-BGTVT ngày 23/6/2009 của Bộ GTVT) nhưng chưa được phân cấp quản lý, thiếu sự kiểm soát của cơ quan chuyên ngành. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước chuyên ngành, đồng thời để đảm bảo an toàn tuyệt đối trên các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, thời gian tới, Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang cần tiếp tục triển khai những công việc gì? Những kiến nghị của đơn vị? Trước mắt, Cảng vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật có liên quan, nhất là Nghị định 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải cũng như Thông tư 10/2013/TT-BGTVT ngày 08/5/2013 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 21/2012/NĐ-CP, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật hàng hải; bên cạnh đó tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trước khi cấp phép; chủ động nhắc nhở, ngăn ngừa các vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến trật tự, an toàn, an ninh hàng hải. Đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan và lực lượng chức năng như: Sở GTVT, Ban ATGT tỉnh Kiên Giang, Thanh tra giao thông, Cảnh sát đường thủy, Chi cục đăng kiểm… thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra toàn bộ các phương tiện và cầu bến, qua đó có biện pháp xử lý thích hợp những vấn đề còn tồn tại. Đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành thông tư thay thế Quyết định số 1818/2009/QĐ-BGTVT phân định rõ về áp dụng pháp luật, nguyên tắc xác định tuyến hoạt động, cơ quan quản lý cụ thể đối với từng tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo. Luồng tàu thuộc các tuyến bờ ra đảo chưa được duy tu nạo vét nên tàu ra vào thường xuyên bị sự cố, kiến nghị cấp thẩm quyền có kế hoạch triển khai công tác nạo vét duy tu luồng lạch, thiết lập báo hiệu hàng hải mới trên các tuyến luồng đảm bảo tàu thuyền hoạt động an toàn; song song đó là việc đầu tư xây dựng các cầu bến đủ điều kiện đón trả khách ở các đảo, tiến hành công bố các cầu bến đã đủ điều kiện. Đề nghị cấp có thẩm quyền tăng cường biên chế, phương tiện, đầu tư thêm cơ sở vật chất để Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang đáp ứng việc quản lý hiện nay và các đầu tuyến mới được giao thêm. Xin cảm ơn ông! HỒNG MINH (Thực hiện)