16/05/2013

Theo dự báo, thế kỷ XXI là kỷ nguyên phát triển rực rỡ của loài người nhưng đồng thời cũng là giai đoạn thử thách gay go về môi trường sống đối với hành tinh xanh, nổi bật hàng đầu đó là tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Thống kê của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho biết, các nguồn ô nhiễm biển đến từ các nguồn: đất liền (50%), rò rỉ tự nhiên (11%), phóng xạ nguyên tử (13%), hoạt động của tàu thuyền (18%) và tai nạn tàu bè trên biển (6%). Ước tính mỗi năm có khoảng 2,4 triệu tấn dầu đổ ra biển. Vì vậy, đến nay, đã có nhiều bộ luật quốc tế và quốc gia đang được nghiên cứu và thực thi để bảo vệ và gìn giữ môi trường biển - lá phổi xanh của trái đất. Các nguồn gây ô nhiễm biển trong hoạt động hàng hải, thủy sản, du lịch, dầu khí và các hoạt động thương mại khác liên quan đến việc sử dụng tài nguyên biển hiện nay rất đa dạng và phức tạp: ô nhiễm do dầu (từ dầu được sử dụng làm nhiên liệu, bôi trơn, thủy lực cho tàu, cho đến dầu hàng do tàu vận chuyển); ô nhiễm do hóa chất lỏng chở xô trên tàu; ô nhiễm do các loại hàng nguy hiểm (chất nổ, chất phóng xạ, chất cháy, chất độc,…) vận chuyển bằng tàu; ô nhiễm do rác thải; ô nhiễm do nước thải; ô nhiễm không khí (chất làm suy giảm tầng ôzôn, ô xít lưu huỳnh, ô-xít ni tơ, ô-xít các-bon, hơi của hợp chất hữu cơ vận chuyển trên tàu, việc đốt các loại chất thải trên tàu); ô nhiễm do sơn chống hà sử dụng cho thân tàu; ô nhiễm do các vật liệu độc hại dùng để đóng tàu (amiăng, kim loại nặng, hóa chất); ô nhiễm do sự di chuyển của các loài thủy sinh vật thông qua nước dằn tàu; các bệnh truyền nhiễm lan truyền qua con đường hàng hải; ô nhiễm do hoạt động phá dỡ tàu cũ; ô nhiễm do hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên biển. Rõ ràng nguồn gây ô nhiễm biển từ các hoạt động nói trên là rất lớn, với sự phát triển rất nhanh của các phương tiện vận tải biển trong những năm qua (Việt Nam hiện nay có trên 1.600 tàu biển, trọng tải 6,2 triệu tấn, đứng thứ 31 trên thế giới). Các nguồn gây ô nhiễm này thực sự đã trở thành nguy cơ vô cùng to lớn đối với môi trường biển, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, hủy hoại các nguồn tài nguyên biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và góp phần không nhỏ vào biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường biển (BVMTB), Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO đã thông qua một số công ước liên quan đến bảo vệ môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm như: Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra 1973, sửa đổi bởi Nghị định thư 1978 (Công ước Marpol 73/78), Công ước quốc tế về kiểm soát hệ thống chống hà độc hại của tàu năm 2001 (Công ước AFS 2001) và Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn năm 2004 (Công ước BWM 2004), Công ước quốc tế về an toàn và tái chế tàu cũ thân thiện môi trường (Công ước Hồng Kông 2009),.... Việc tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về BVMTB có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ hiệu quả môi trường biển, góp phần thúc đẩy và xây dựng ý thức pháp luật về BVMTB. Mặt khác, việc tham gia và thực hiện nghiêm túc các điều ước này sẽ khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đây cũng là thế mạnh của Việt Nam để thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm phát triển, kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống dân cư, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Một số công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường trong ngành Hàng hải Vấn đề phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển, là một trong những công tác trọng tâm hàng đầu của IMO. Từ khi ra đời (năm 1958) đến nay, IMO đã thông qua một số lượng đáng kể các văn bản luật điều chỉnh vấn đề nói trên, trong đó Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra 1973, được sửa đổi bởi Nghị định thư 1978 (MARPOL 73/78), Công ước quốc tế về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu, 2001 (Công ước AFS 2001) và Công ước quốc tế về quản lý nước dằn và cặn nước dằn, 2004 (Công ước BWM 2004). Việc tham gia và thực thi các điều ước quốc tế liên quan đến BVMTB, an toàn an ninh biển là một trong những giải pháp chủ yếu nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm biển hiện nay, đồng thời là nhiệm vụ quan trọng của hợp tác quốc tế về BVMTB của Việt Nam. Các công ước quốc tế ở lĩnh vực này mà Việt Nam đã tham gia bao gồm: Công ước năm 1982 của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS); Công ước MARPOL 73/78; Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với các tổn thất do ô nhiễm dầu CLC 1969 và 1992 với những quy định nhằm bảo đảm tài chính cho những bên bị thiệt hại do tàu dầu gây ra và giới hạn trách nhiệm dân sự của chủ tàu; Công ước COLREG về các quy tắc quốc tế phòng, tránh đâm, va trên biển năm 1972; Công ước BASEL về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các chất độc hại và việc loại bỏ chúng năm 1989; Công ước về đa dạng sinh học năm 1992; Công ước RAMSAR về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước năm 1971, sửa đổi theo Nghị định thư Paris năm 1982,... Mặc dù đã có nhiều cố gắng và đã đạt được những kết quả nhất định trong việc thực hiện các công ước quốc tế về BVMTB nhưng trong lĩnh vực này Việt Nam vẫn còn có những hạn chế nhất định, như công tác tuyên truyền thực hiện một số Công ước còn chậm, hiệu quả thấp. Ví dụ, sau 12 năm gia nhập Công ước MARPOL 73/78, đến cuối năm 2012 Việt Nam mới có một văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi một số quy định của Công ước; số lượng cảng biển trang bị hệ thống tiếp nhận nước thải lẫn dầu, cặn dầu từ các tàu như quy định của Công ước còn rất ít. Một số điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam ký kết với các nước trong khu vực chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phòng chống ô nhiễm môi trường biển. Các quy phạm pháp luật về phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm biển chưa được nâng tầm thành một đạo luật mà chủ yếu là được ban hành dưới dạng các văn bản dưới luật (các thông tư, quy chế do các bộ, ngành ban hành). Một số công ước chính liên quan đến bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng hải mà Việt Nam đã và sẽ tham gia trong thời gian tới Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển - UNCLOS 82 Đây là bộ luật hoàn chỉnh nhất về biển, riêng Phần XII quy định việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, gồm có 11 mục và 46 điều khoản (từ Điều 192 đến 237). Việc tham gia vào Công ước này tạo cơ sở pháp lý giúp chúng ta bảo vệ và gìn giữ môi trường biển của Việt Nam nói riêng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển nói chung. Theo Điều 192 của Công ước, việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển trở thành nghĩa vụ chung của mọi quốc gia (Điều 192-UNCLOS 82). Điểm nổi bật của Công ước là xác định rõ ràng quyền hạn và nghĩa vụ của quốc gia ven biển trong việc BVMTB khỏi ô nhiễm, cũng như thực hiện có hiệu quả các điều khoản của Công ước và các phụ lục mà quốc gia đó tham gia. Ngày Công ước có hiệu lực với Việt Nam là 23/6/1994. Để thực hiện các nội dung của Công ước, các quốc gia phải thi hành biện pháp cần thiết để hạn chế tối đa ô nhiễm do tàu thuyền gây ra, đặc biệt là những biện pháp nhằm đề phòng sự cố và đối phó các trường hợp khẩn cấp, nhằm bảo đảm cho các hoạt động trên biển, ngăn ngừa những hoạt động thải bỏ, dù cố ý hay không, và quy định về cách thiết kế, cấu trúc trang bị, hoạt động và định biên của tàu (Điều 194-UNCLOS). Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra 1973, được sửa đổi bởi Nghị định thư 1978 (Công ước MARPOL 73/78) Công ước MARPOL 73/78 ra đời năm 1973, là kết hợp của hai hiệp định quốc tế là Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra được thông qua năm 1973 và Nghị định thư của Công ước được thông qua năm 1978, hiện nay gộp chung thành một văn kiện duy nhất. Có thể cho rằng Công ước này là một trong những công ước chủ chốt về BVMTB. Công ước đưa ra những quy định nhằm ngăn ngừa ô nhiễm gây ra do vận chuyển hàng hóa là dầu mỏ, hàng nguy hiểm, độc hại, cũng như do nước, rác và khí thải ra từ tàu. Việt Nam đã tham gia Công ước này từ ngày 18/3/1991. Theo sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ, cũng như các vấn đề môi trường phát sinh trong thực tiễn hoạt động của ngành Hàng hải (các tai nạn tràn dầu, các vấn đề ô nhiễm mới nảy sinh,...), các yêu cầu kỹ thuật của Công ước MARPOL 73/78 đã được bổ sung và sửa đổi liên tục. Cho đến nay Công ước MARPOL 73/78 đã bao gồm 6 phụ lục: Phụ lục I: Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu, có hiệu lực từ ngày 02/10/1983 (Phụ lục I sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2007). Phụ lục I bao gồm 07 chương với 39 quy định và 05 phụ chương. Nội dung cơ bản của Phụ lục I bao gồm: Việc xả dầu ra biển bị cấm ở một số khu vực và bị hạn chế ở các khu vực khác. Tàu phải thỏa mãn một số yêu cầu nhất định về kết cấu và trang thiết bị, trên tàu phải có nhật ký dầu. Tàu phải được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận thỏa mãn yêu cầu của Phụ lục I. Các cảng phải có các phương tiện tiếp nhận hỗn hợp dầu hoặc cặn dầu. Phụ lục II: Các quy định về kiểm soát ô nhiễm do chất lỏng độc chở xô, có hiệu lực từ ngày 06/4/1987. Phụ lục II áp dụng cho các tàu chở xô các hóa chất lỏng độc hại. Chất lỏng độc có nguy cơ làm tổn hại đến môi trường biển được chia làm 4 loại: A, B, C và D được nêu trong phụ chương II của Phụ lục II. Theo thứ tự, chất loại A gây nguy hiểm nhiều nhất cho môi trường và chất loại D gây nguy hiểm ít nhất. Phụ lục II cấm xả xuống biển dòng thải có lẫn các chất này, trừ khi tuân thủ các quy định đặc thù cho việc thải mỗi loại chất thải. Phụ lục II cũng đưa ra các yêu cầu về mặt kết cấu và trang thiết bị đảm bảo kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm do chất lỏng độc chở xô. Phụ lục III: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do các chất độc hại được vận chuyển trên biển dưới dạng bao gói, có hiệu lực từ ngày 01/7/1992. Phụ lục III áp dụng cho các tàu chở các chất độc hại dưới dạng bao gói. Chất độc hại là các chất gây ô nhiễm biển nêu trong Bộ luật quốc tế về chuyên chở hàng nguy hiểm bằng đường biển (Bộ luật IMDG). “Dạng bao gói” tức là bất kỳ phương tiện, thiết bị nào dùng để chứa hàng bao gồm cả các container, các thùng, két di động, các két đặt trên các ôtô, toa xe lửa chở trên tàu. Phụ lục III cấm vận chuyển các chất độc hại trừ khi tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đưa ra trong Phụ lục. Các yêu cầu này liên quan đến việc đóng gói, dán nhãn, các hồ sơ cần thiết về hàng, sắp xếp hàng, các hạn chế về lượng hàng và các quy định ngoại lệ liên quan đến an toàn và an ninh sinh mạng trên biển. Phụ lục III cấm việc thải xuống biển các loại hàng độc hại ở dạng bao gói, trừ khi đó là biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho tàu và người trên tàu. Trong trường hợp đó phải thực hiện việc khai báo theo Điều II, Nghị định I của Công ước MARPOL 73/78. Phụ lục IV: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải của tàu, có hiệu lực từ ngày 27/9/2003. Phụ lục IV áp dụng cho các tàu mới có tổng dung tích từ 400 trở lên, hoặc nhỏ hơn 400 nhưng được chứng nhận chở trên 15 người. Đối với các tàu hiện có, phải áp dụng yêu cầu của Phụ lục sau 5 năm kể từ ngày Phụ lục có hiệu lực. Nước thải là nước và các phế thải khác từ nhà vệ sinh, nhà tắm, nước thải từ các buồng bệnh viện, nước thải từ khoang chứa động vật sống trên tàu,... Tàu không được phép thải nước thải trong phạm vi 4 hải lý tính từ bờ gần nhất, trừ khi được trang bị thiết bị xử lý nước thải phù hợp. Trong phạm vi 4 đến 12 hải lý tính từ bờ gần nhất, nước thải phải được nghiền và khử trùng trước khi thải. Để thỏa mãn các yêu cầu của Phụ lục này, trên tàu phải có các trang thiết bị sau: Thiết bị xử lý nước thải phải được phê duyệt, hoặc hệ thống đường ống và bích nối để thải lên các trạm tiếp nhận trên bờ. Phụ lục V: Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải của tàu, có hiệu lực từ ngày 31/12/1988. Phụ lục V áp dụng cho tất cả các tàu, gồm cả thuyền buồm, tàu cá và các công trình ngoài khơi. Việc thải rác ra biển bị cấm hoặc bị hạn chế như sau: - Cấm thải bất kỳ loại rác chất dẻo nào ra biển, gồm cả lưới đánh cá, dây thừng bằng vật liệu tổng hợp và túi đựng rác bằng nhựa; - Các vật liệu kê, chèn lót và bao gói nổi được chỉ được phép thải khi tàu cách bờ trên 25 hải lý. - Các chất thải thực phẩm và các loại rác khác (gồm giấy, thủy tinh, kim loại, giẻ vải, chai lọ, đồ sứ,...) không được thải cách bờ dưới 12 hải lý trừ khi chúng được mài hoặc nghiền để có thể đi qua lưới có kích thước mắt lưới không quá 25 mm. Tuy các loại rác đã được mài hoặc nghiền như vậy, nhưng việc thải vẫn phải thực hiện cách bờ trên 3 hải lý. Phụ lục VI: Các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí do tàu gây ra, được phê chuẩn từ tháng 9/1997 và có hiệu từ ngày 19/5/2005. Phụ lục quy định giới hạn các ô xít lưu huỳnh, ô xít nitơ trong các khí thải của tàu và cấm thải các chất làm suy giảm tầng ôzôn, gồm cả halon và chlorua fluorcarbon (CFC). Cấm lắp đặt các trang bị mới có chứa chất làm suy giảm tầng ôzôn lên tàu; việc lắp đặt các trang thiết bị mới có chứa hydro-chlorua fluorcarbon được cho phép đến ngày 01/01/2020. Phụ lục cũng đưa ra giới hạn của lưu huỳnh trong các loại nhiên liệu dùng trên tàu. Phụ lục VI cấm việc đốt một số loại sản phẩm hay rác trên tàu, ví dụ như các vật liệu bao gói hàng đã bị ô nhiễm, các vật phẩm có chứa polychorilated biphenyl (PCB). Ở các vùng đặc biệt được gọi là “Vùng kiểm soát khí thải có ô xít lưu huỳnh” theo quy định của Phụ lục VI, tàu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về kiểm soát chất thải ô xít lưu huỳnh. Ngày 15/7/2011, IMO thông qua Chương 4 mới của Phụ lục VI, trong đó yêu cầu các tàu đóng mới, hoặc hoán cải đến mức như đóng mới phải bổ sung thêm chỉ số thiết kế năng lượng hiệu quả của tàu (EEDI) và kế hoạch quản lý năng lượng hiệu quả của tàu (SEEMP). Chương 4 mới này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013. Để quản lý việc xử lý các chất thải của tàu, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản pháp quy đưa ra những quy định cụ thể với từng loại tàu phải thỏa mãn, công tác tiếp nhận và xử lý chất thải ở cảng biển, công tác kiểm tra giám sát của chính quyền cảng. Các chất thải này phụ thuộc nhiều yếu tố: - Đối với chất thải rắn: phụ thuộc nhiều vào công tác sửa chữa, chủng loại hàng mà tàu chở. Loại chất thải này đang được kiểm soát và xử lý ở các cảng biển. - Đối với chất thải lỏng: Phụ thuộc vào tuổi tàu, tình trạng kỹ thuật của tàu, trình độ chuyên môn của thuyền viên, chất lượng nhiên liệu được cấp, loại hàng tàu chở,... Hiện nay, loại chất thải này khó kiểm soát. Việt Nam đã tham gia các Phụ lục I và II từ năm 1991, tuy nhiên chúng ta chưa gia nhập các Phụ lục còn lại của Công ước. Cục Hàng hải Việt Nam vừa xây dựng Đề án đề xuất gia nhập các phụ lục còn lại của Công ước MARPOL 73/78. Hiện nay, nội dung Đề án đã được trình lên Bộ Giao thông vận tải để lấy ý kiến các đơn vị, bộ ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gia nhập. (Kỳ sau đăng tiếp)

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24853860
    • Online: 122