08/04/2013

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung Ương Đảng khóa X đã xác định rõ kinh tế hàng hải là ngành kinh tế đứng thứ 2 sau Dầu khí, và phấn đấu sau 20 năm sẽ vươn lên dẫn đầu. Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết TW 9, cần xây dựng một xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại, quản lý đồng bộ, hiệu quả cũng như phát triển hệ thống dịch vụ logistics có vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Với mục tiêu đó, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện) đã được nghiên cứu và đang chuẩn bị các bước cuối cùng để tiến hành khởi công trong tháng 3/2013. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng – Tầm quan trọng Mặt bằng tổng thể dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng Thành phố Cảng Hải Phòng có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, và an ninh, quốc phòng của vùng Đông Bắc Bộ và cả nước, nằm trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hải Phòng với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi là cửa ngõ ra biển quan trọng bậc nhất của các tỉnh phía Bắc, với hệ thống cảng biển phát triển từ rất sớm, từ những năm 70 thế kỷ 19. Trong những năm gần đây, lượng hàng hoá thông qua hệ thống cảng biển Hải Phòng tăng trưởng nhanh và ổn định. Năm 2010, hệ thống cảng biển Hải Phòng đã thông qua hơn 44 triệu tấn hàng hóa, năm 2012 sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn đạt trên 50 triệu tấn, tăng trên 10% so với năm 2010. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong các năm qua của hàng hoá đạt 19%/năm và hàng container đạt 29%/năm. Lượng hàng hoá thông qua hệ thống cảng Hải Phòng tăng khoảng 600% trong vòng 10 năm qua. Theo quy hoạch, dự báo lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng phía Bắc đến năm 2020 là 146 – 176 triệu T/năm. Trong khi đó tổng năng lực của các cảng hiện hữu kể cả sau khi nâng cấp, mở rộng cũng chỉ đạt 86 – 90 triệu tấn vào năm 2015 và không thể phát triển thêm để đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hoá khu vực. Sự gia tăng đột ngột lượng hàng hoá đã khiến cho hệ thống hạ tầng cảng biển của Hải Phòng trở nên quá tải. Đứng trước yêu cầu phát triển năng lực hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng, quy hoạch Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã bắt đầu được nghiên cứu từ năm 1994 với sự tham gia của các tổ chức tư vấn hàng đầu trong và ngoài nước như: Viện Địa lý - Viện Khoa học Việt Nam, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT, tư vấn HEACON (Bỉ), các đoàn nghiên cứu của JICA (Nhật Bản)… Quy hoạch chi tiết Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được nghiên cứu bắt đầu từ năm 2004. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với cơ sở hạ tầng và công nghệ bốc xếp được đầu tư đồng bộ và hiện đại có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT hoạt động trên tuyến biển xa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ góp phần giảm chi phi vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam; đồng thời góp phần thu hút lượng hàng hóa khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông – Tây và khu vực Nam Trung Quốc qua các tuyến thuộc chương trình hai hành lang, một vành đai kinh tế. Mặt khác, hiện luồng tàu qua cửa Lạch Huyện đến kênh Hà Nam vào các bến cảng hiện hữu thuộc cảng biển Hải Phòng được thiết kế và duy trì với độ sâu -7,2m (CD), chỉ cơ bản đáp ứng cho tàu biển trọng tải đến 10.000 tấn đầy tải, tàu lớn hơn giảm tải trong khi các bến cảng khu vực Đình Vũ, Sông Tranh được quy hoạch và đầu tư xây dựng cho tàu biển trọng tải 20.000 – 40.000 DWT. Do vậy việc đầu tư xây dựng (ĐTXD) cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu khai thác của cảng Lạch Huyện nói riêng mà còn phục vụ cho toàn bộ hệ thống cảng Đình Vũ, Bạch Đằng, Sông Cấm, Sông Tranh ở phía Thượng Lưu. Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ Cảng Hải Phòng là cảng cửa ngõ quốc tế loại IA với khu bến thương mại cho tàu biển trọng tải lớn tại Lạch Huyện tiếp nhận chủ yếu tàu chở container loại 4.000 ÷ 6.000 TEU, tàu chở hàng tổng hợp 5 ÷ 8 vạn DWT. Cụ thể hóa mục tiêu của Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Bắc Bộ (nhóm 1) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ “Đặc biệt chú trọng phát triển Cảng Hải Phòng tại khu bến Lạch Huyện để có thể tiếp nhận cỡ tàu tới 100.000 DWT (tàu container 8000 TEU) tạo sức hấp dẫn với thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu và Bắc Mỹ”. Do vậy, việc triển khai dự án ĐTXD công trình Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động là hết sức cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội khu vực Hải Phòng và toàn bộ khu vực phía Bắc đồng thời tuân thủ theo đúng Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Quy mô Cảng cửa ngõ quốc tế Hải PhòngCảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được quy hoạch xây dựng từ phía Nam cửa sông Lạch Huyện, trên địa bàn huyện đảo Cát Hải – TP. Hải Phòng, dọc theo tuyến luồng vào cảng hiện tại ra đến độ sâu tự nhiên có cao độ -3,0m với tổng chiều dài tuyến bến khoảng gần 8.000m, chiều dài toàn bộ tuyến luồng khoảng 18km với cao độ đáy luồng chạy tàu -14km. Theo Quyết định số 476/QĐ-BGTVT ngày 15/3/2011 của Bộ GTVT, trong giai đoạn khởi động, sẽ triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải đến 100.000 DWT, thông qua lượng hàng dự báo ở giai đoạn 2010÷2015 khoảng 6 triệu tấn với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ VNĐ. Dự án được thực hiện theo hình thức phối hợp công- tư (PPP) gồm hai hợp phần: Hợp phần A do Cục HHVN làm chủ đầu tư, Hợp phần B do liên doanh giữa đối tác Việt Nam và Nhật Bản làm chủ đầu tư. Hợp phần A: do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư gồm các hạng mục công trình chính: - Luồng tàu: Luồng tàu 1 chiều có chiều rộng B = 160m, cao độ đáy luồng chạy tàu -14m (hệ cao độ hải đồ) - Vũng quay tàu: có Đường kính D = 660m cho tàu tổng hợp 50.000 DWT và tàu container 100.000 DWT. - Đê chắn sóng: có chiều dài 3.220m, cao trình đỉnh đê + 6,50m - Đê chắn cát: có chiều dài 7.600m, cao trình đỉnh đê +2,0m - Bến công vụ - Đường bãi khu vực hành chính - Khu vực hành chính, cơ quan quản lý nhà nước Hợp phần B: do liên doanh giữa đối tác Việt Nam và Nhật Bản làm chủ đầu tư bao gồm các hạng mục: - Bến container: 02 bến container có chiều dài 750m, cao trình đỉnh bến +5,50m (CD); - Bến sà lan: cho sà lan cho tàu có trọng tải đến 100 TEU, cao trình đỉnh bến + 5,50m (CD), cao trình đáy bến – 5,0m (CD). - Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy,… - Thiết bị công nghệ: đầu tư trang bị quản lý, khai thác đồng bộ hiện đại, đảm bảo nhu cầu xếp dỡ hàng hoá thông qua giai đoạn hiện tại, phù hợp với sự phát triển tương lai. Các thiết bị chính bao gồm: cẩu giàn mép bến sức nâng 54 T, cần trục bánh lốp RTG, xe nâng hàng, đầu kéo,… Dự kiến, Dự án ĐTXD Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ hoàn thành và đưa cảng vào vào hoạt động vào năm 2016. Hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế biểnTrong tương lai Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ là trung tâm cùng với hệ thống cảng biển Hải Phòng và cảng sông trong nội địa đóng vai trò như các vệ tinh sẽ hình thành lên một hệ thống logistic năng động và hiệu quả. Đồng thời sau khi đi vào hoạt động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đóng vai trò như một trạm trung chuyển hàng hóa quốc tế kết hợp hệ thống giao thông vận tải đồng bộ bao gồm hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ và hệ thống vận tải xuyên quốc gia, đặc biệt là các dự án ĐTXD đường ô-tô Tân Vũ Lạch Huyện và dự án đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội đang gấp rút triển khai, sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của Thành phố Cảng Hải Phòng, của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như toàn bộ các tỉnh phía Bắc. Công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố Cảng Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc sẽ phát triển bền vững dựa trên bộ khung vững chắc: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng – hệ thống logistic và giao thông vận tải đồng bộ. Do vậy, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sau khi hoàn thành sẽ góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :25019808
    • Online: 181