Một số thành tựu trong vận tải biển của Việt Nam PGS. TSKH. NGUYỄN NGỌC HUỆ ThS. TRỊNH THẾ CƯỜNG. Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước là mục tiêu trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị Quyết hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, là đòi hỏi rất lớn đang được đặt ra đối với Ngành trong giai đoạn hiện nay. Vận tải biển nước ta ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới và trong khu vực, góp phần quan trọng vào việc đưa nền kinh tế Việt nam hội nhập với nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ cuộc khủng khoảng tài chính thế giới và những tác động của một số yếu tố bất lợi khác nên hoạt động của ngành Hàng hải trong thời gian gần đây vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bài viết này chúng tôi đánh giá một số thành tựu và một số giải pháp định hướng phát triển vận tải biển trong thời gian tới. 1. Tổng quan chung Với 3.200 kilômét bờ biển, vận tải biển là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất trong số lĩnh vực vận tải công nghiệp ở Việt Nam. Với tổng số trên 80% hàng hóa lưu thông trong và ngoài nước. Từ năm 1995 đến nay, Ngành luôn đi cùng sự tăng trưởng giao thương hàng hóa và cùng có tốc độ gia tăng sản lượng bình quân 15%/năm. Trong điều kiện nền kinh tế hội nhập, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng trên dưới 20% trong mười năm qua, Ngành càng ngày càng khẳng định vai trò xương sống cho sự phát triển thương mại của đất nước. Ngành hàng hải bao gồm ba lĩnh vực chính: cảng biển, đội tàu biển và các dịch vụ hàng hải khác, cụ thể: Hệ thống cảng biển Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, chúng ta đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng các cảng biển và hình thành được 3 trung tâm cảng ở miền Bắc (gồm Hải Phòng, Quảng Ninh); ở miền Trung (gồm Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang) và ở miền Nam (gồm thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong các trung tâm cảng, cũng đã hình thành cảng cửa ngõ quốc tế như cảng Hải Phòng (khu vực Lạch Huyện), cảng Bà Rịa - Vũng Tàu (khu vực Cái Mép - Thị Vải), đặc biệt là cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khánh Hòa. Tuy nhiên, bản Quy hoạch này được xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta còn khó khăn, hàng hóa, tàu thuyền đến cảng còn ít, do đó mục tiêu chúng ta đưa ra là hệ thống cảng biển chủ yếu đáp ứng thông qua lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển theo yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Tiếp tục kế thừa các Quy hoạch trên, ngày 24/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2190/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bản Quy hoạch lần này đã được xây dựng theo định hướng Chiến lược biển Việt Nam và trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập rộng với quốc tế, cụ thể chúng ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) v.v... với mục tiêu chung là phát triển hệ thống cảng biển theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, khẳng định vị trí và ưu thế về kinh tế biển của đất nước; đồng thời góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Hình thành những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng với quốc tế làm động lực phát triển các khu kinh tế, đô thị - công nghiệp ven biển. Hình1. Tàu container Columba, trọng tải 131.263 DWT, dài 363 m, cập cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) Dự kiến lượng hàng thông qua toàn bộ hệ thống cảng biển tại các thời điểm quy hoạch: - 500 - 600 triệu T/năm vào năm 2015; - 900 - 1.100 triệu T/năm vào năm 2020; - 1.600 - 2.100 triệu T/năm vào năm 2030. Tập trung xây dựng một số cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế Vân Phong - Khánh Hòa để tiếp nhận được tàu container sức chở 9.000 - 15.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu chở dầu 30 - 40 vạn DWT; cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu để tiếp nhận được tàu trọng tải 8 - 10 vạn DWT, tàu container sức chở 4.000 - 8.000 TEU và vùng kinh tế trọng điểm khác khi có điều kiện; cảng chuyên dùng cho các liên hợp hóa dầu, luyện kim, trung tâm nhiệt điện chạy than (tiếp nhận được tàu trọng tải 10-30 vạn DWT hoặc lớn hơn). Có thể thấy Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã có những thay đổi có tính chiến lược, nhằm phát triển hệ thống cảng biển xứng với tầm quốc tế, thu hút được sự quan tâm của hãng tàu lớn, nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới đến đầu tư và thúc đẩy phát triển Ngành hàng hải của nước ta. Do đó, trong thời gian tới cần đẩy nhanh hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết 6 Nhóm cảng biển nhằm triển khai Quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, trong thời gian tới việc nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý cảng biển mới phù hợp với tiến trình hội nhập nhằm tổ chức quản lý khai thác cảng một cách hiệu quả để chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án để thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Năm Lượng hàng thông qua (triệu tấn) Tỉ lệ tăng trưởng (%/năm) X. khẩu N. khẩu Nội địa Quá cảnh Tổng 1995 12,9 10,6 10,5 3,7 37,7 1996 15,9 13,1 8,1 2,1 39,2 4,0 1997 21,2 17,2 7,3 3,2 48,9 24,7 1998 22,8 20,0 10,0 4,0 56,8 16,2 1999 29,6 22,3 14,3 6,5 72,7 28,0 2000 29,0 23,1 21,2 9,1 82,4 13,3 2001 35,9 25,4 20,1 9,6 91,0 10,4 2002 34,5 35,0 22,7 10,1 102,3 12,4 2003 37,9 39,9 25,9 10,6 114,3 11,7 2004 47,1 41,3 29,0 10,3 127,7 11,7 2005 51,2 45,8 28,9 12,6 138,5 8,5 2006 57,6 49,1 33,1 14,7 154,5 11,6 2007 62,5 58,6 42,9 17,1 181,1 17,2 2008 63,7 72,4 42,8 17,7 196,6 8,5 2009 84,3 69,4 60,3 20,1 251,2 12 2010 74,8 79,5 75,5 29,5 259,2 10 Hình 2. Tổng lượng hàng qua cảng và tỷ lệ tăng trưởng giai đoạn 1995-2010 Vận tải biển Tính đến tháng 9/2011, Việt Nam có trên 1.689 tàu biển, trong đó có khoảng 450 tàu biển hoạt động tuyến quốc tế với tổng dung tích gần 2 triệu tấn đăng ký (GT). Hiện tại, về trọng tải đội tàu biển Việt Nam xếp vị trí 60/152 quốc gia có tàu mang cờ quốc tịch và xếp thứ 4 trong 10 nước ASEAN và ASEAN là một trong 4 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam (ngày 17/5/2010, Hiệp định Thương mại ASEAN bắt đầu có hiệu lực). Năm 2011, đội tàu biển Việt Nam tiếp tục được bổ sung thêm cả về số lượng, tổng trọng tải nhưng thấp so với so với cùng kỳ năm 2010. Sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt trên 44 triệu tấn - tăng gần 16,8 % và trên 83 tỷ tấn hàng hoá luân chuyển - tăng trên 13,0 %; trong đó vận tải quốc tế đạt trên 30 triệu tấn - tăng trên 13,7 %, với 73,3 tỷ Tkm - tăng trên 16,1 % và vận tải trong nước đạt 14,5 triệu tấn - tăng 24,9 %, với gần 10 tỷ Tkm - tăng gần 20%. Như vậy, mức tăng trưởng về vận tải biển trong sáu tháng đầu năm đạt khá cao và điều này khẳng định hoạt động vận tải biển của thế giới và Việt Nam nói riêng từng bước đã được phục hồi (2). Tuy nhiên, do tác động chung của hoạt động hàng hải - thương mại thế giới và những khó khăn trong nước (thiếu tàu dầu, tàu chở khí hóa lỏng, tàu container; giá cước vận tải giảm, giá nhiên liệu tăng, trượt giá ...) nên phần lớn các doanh nhiệp vận tải biển (nhất là các chủ tàu tư nhân) đều có lợi nhuận thấp và vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, phổ biến là tình trạng khan hiếm nguồn hàng; không ít phương tiện chỉ vận tải hàng một chiều hoặc chạy “rỗng”; nhiều tuyến phải đỗ dài ngày do thiếu hàng chuyên chở. Do đó thu không đủ bù chi phí, riêng phần trả lãi ngân hàng có thời điểm lãi suất vay lên tới 21% năm. Nhiều doanh nghiệp bị nợ quá hạn kéo dài, nguy cơ dẫn đến phá sản là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải biển lại bị thiệt thòi bởi khó tiếp cận với nguồn tài chính hỗ trợ thông qua các gói kích cầu của Chính phủ. Hình 2. Tàu container chuyên dụng - Về đóng tàu: Đồng bộ hóa và phát huy công suất các cơ sở đóng mới tàu thủy; hình thành một số trung tâm đóng tàu vận tải, trung tâm đóng tàu chuyên dùng tại 03 miền Bắc, Trung, Nam để đóng mới các tàu có trọng tải đến 300.000 DWT; đóng được các gam tàu có yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả kinh tế cao (tàu chở ôtô, tàu khách, tàu TKCN, tàu nghiên cứu biển, tàu tuần tra cao tốc, tàu công trình…) đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, tiến độ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tổng sản lượng đóng mới toàn ngành đạt 2,5-3,5 triệu DWT/năm, trong đó xuất khẩu đạt 1,7-2,7 triệu DWT/năm. - Về sửa chữa tàu: hình thành các trung tâm sửa chữa tàu quy mô lớn gắn liền với hệ thống cảng biển và các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng; có công nghệ sửa chữa tàu tiên tiến, thân thiện với môi trường; bảo đảm tiến độ chất lượng và giá thành sửa chữa cạnh tranh. Đến năm 2020 đảm nhận sửa chữa toàn bộ nhu cầu trong nước và tham gia vào thị trường sửa chữa đội tàu quốc tế hoạt động tại khu vực biển Đông. - Về công nghiệp phụ trợ: gắn với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên cả nước nằm trong chuỗi sản xuất hàng hóa toàn cầu, trong đó cần cổ phần hóa hoặc liên doanh, liên kết huy động các nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý, sản xuất, phân phối để xây dựng hoàn chỉnh các nhà máy hiện có để đến năm 2020 nội địa hóa được phần thô (thép, trang thiết bị nội thất, van, ống, cáp điện, sơn…); máy móc, động cơ có lộ trình phù hợp. + Giai đoạn 2011-2015: thực hiện lắp ráp CKD; + Giai đoạn 2016-2020: thực hiện lắp ráp IKD đối với máy chính và chế tạo máy phụ, hệ trục. Các dịch vụ hàng hải khác Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm dịch vụ trung chuyển quốc tế trong khu vực và phát triển dịch vụ logistics, nhà nước đã giành một phần lớn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chuỗi cung ứng. Việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong những năm qua tạo tiền đề để kết nối giao thông phục vụ cho hoạt động vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics với 49 bến cảng với 217 cầu cảng, 26 sân bay, 3.200 km đường sắt quốc gia, khoảng 17.300 km đường quốc lộ. Các loại hình dịch vụ hàng hải khác (đại lý tàu biển; hoa tiêu; bảo đảm hàng hải; lai dắt tàu biển; các dịch vụ cung ứng tàu biển v.v…) đã được phát triển nâng cao chất lượng, hiệu quả của thông qua việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan; tăng cường đào tạo, phổ biến và khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh tế này. Đồng thời, đẩy mạnh việc đổi mới, tổ chức lại, cổ phần hoá các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhằm nâng cao tính cạnh tranh cả về uy tín, chất lượng trên cơ sở phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp. Hiện có khoảng trên 1000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải và logistics, xếp thứ 53 trong tổng số 155 quốc gia và đứng thứ 5 trong khu vực Asean. Vai trò quản lý nhà nước Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực hàng hải, việc kiện toàn nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về hàng hải đang là vấn đề cấp thiết. Đây là cơ sở để tiếp tục xác lập và hoàn thiện vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về hàng hải kể cả vị trí, vai trò quản lý nhà nước về hàng hải trong quản lý về biển nói chung và trong quản lý nhà nước đối với kinh tế biển nói riêng. Trong thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã tham mưu trình Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ bổ sung sửa đổi, ban hành mới một số atvăn bản được điều chỉnh sửa đổi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hoạt đông của đội tàu biển, với kết quả cụ thể như sau: - Đến cuối năm 2007, hầu hết các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật HHVN 2005 đã được các cơ quan Nhà nước ban hành kịp thời theo thẩm quyền, gồm: 01 Pháp lệnh, 08 Nghị định, 19 Quyết định của Thủ tướng và 43 Quyết định, Thông tư cấp Bộ trưởng. Từ năm 2008 đến nay tiếp tục tiến hành rà soát để sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản (kể cả một số văn bản được ban hành sau khi Bộ luật mới có hiệu lực) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập của Ngành. Đồng thời, Cục đã chủ động trong việc nghiên cứu đề xuất ký kết, gia nhập các điều ước, thỏa thuận quốc tế. Đến thời điểm này, Việt Nam là thành viên của 14 Công ước quốc tế do Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua, 18 Hiệp định hàng hải và 22 Thỏa thuận quốc tế với các nước. - Trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 15/10/2009, với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển, đáp ứng nhu cầu vận tải biển nội địa, nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 27-30%, kết hợp chở thuê hàng hóa nước ngoài trên các tuyến vận tải biển xa; nâng cao năng lực cạnh tranh của đội tàu khi Việt Nam mở cửa 100% thị trường vận tải biển theo lộ trình cam kết của Việt Nam với tổ chức Thương mại thế giới WTO. - Kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế hỗ trợ tài chỉnh nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như Quyết định số 131/QĐ-TTG ngày 23/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi xuất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh và ngày 17/04/09 vừa qua, Thủ tướng Chính đã phủ ban hành Quyết định số 60/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (kể cả các hợp tác xã) (i) có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và (ii) sử dụng tối đa 500 lao động. Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành mới hoặc điều chỉnh bổ sung các văn bản chuyên ngành liên quan đến thủ tục hành chính tại cảng biển như: Thông tư số 05/2010/TT-BQP ngày 18/01/2010 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 50/2008/NĐ-CP ngày 21/4/2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại cửa khẩu cảng biển; Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý kiểm dịch y tế biên giới v.v…. Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội chuyên ngành đề xuất với Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 112/TT-BTC ngày 2/6/2009 hướng dẫn áp dụng thuế xuất thuế giá trị gia tăng 0% đối với vận tải quốc tế và dịch vụ các ngành hàng không, hàng hải. 2. Một số khó khăn thách thức và giải pháp thực hiện trong thời gian tới Khó khăn, thách thức Thực trạng tổng quan nêu trên cho thấy, để nâng cao năng lực của vận tải biển Việt Nam đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá, hành khách giữa các vùng, khu vực ven biển và từ bờ ra các đảo xa bờ, có một số bất cập, vướng mắc dưới đây: - Tính đồng bộ, thống nhất giữa chính sách hàng hải với luật hàng hải và giữa luật, chính sách của một số ngành, lĩnh vực liên quan với luật, chính sách vận tải biển còn có bất cập, đang đòi hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu đề xuất điều chỉnh phù hợp. Hiện nay, hoạt động kinh tế hàng hải vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên việc đề xuất sửa đổi hoặc ban hành mới một số cơ chế liên quan và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng đang là những yêu cầu bức thiết đối với doanh nghiệp. - Mục tiêu phát triển nhanh, mạnh kết cấu hạ tầng hàng hải, đội tàu biển Việt Nam theo hướng quy mô, hiện đại và chuyên dụng hóa đang trở thành vấn đề rất bức thiết, nhưng cũng là thách thức lớn đối với ngành Hàng hải. - An toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động hàng hải cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bức bách, đòi hỏi cần tiếp tục được triển khai thực hiện, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh và quyền tự do hàng hải trên Biển Đông theo quy định của pháp luật quốc tế (UNCLOS 82 và 05 công ước liên quan khác của IMO mà Việt Nam là thành viên). - Việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực hàng hải cũng còn nhiều khó khăn, bất cập (tụt hậu về kỹ thuật công nghệ, kỹ năng quản lý, chất lượng đào tạo ...), chưa bắt kịp xu thế phát triển chung của cộng đồng hàng hải thế giới, đang đòi hỏi cần được tiếp tục đẩy mạnh, phát huy. Giải pháp Thứ nhất, chú trọng tổ chức quán triệt nhằm bảo đảm triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển ngành Hàng hải theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XI phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Chiến lược phát triển vận tải biển trong thời kỳ tới. Thứ hai, tập trung chỉ đạo nhằm tăng cường hiệu quả xây dựng pháp luật, chính sách phát triển và đề xuất ký kết, gia nhập điều ước, thỏa thuận quốc tế an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường mà Việt Nam tham gia, nhất là pháp luật trong nước và các Điều ước quốc tế có liên quan. Thứ ba, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải đã được phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án khác, đặc biệt là những dự án trọng điểm, đặc biệt tại nhóm cảng phía Bắc, nhóm cảng thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long. Thứ tư, phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, dịch vụ logistic và dịch vụ vận tải đa phương thức; Coi trọng việc nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, dịch vụ logistic, dịch vụ vận tải đa phương thức; Phát triển các trung tâm phân phối hàng hoá gắn liền với các bến cảng container, đặc biệt là ở các cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế; Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và các hoạt động của các dịch vụ một cách có hiệu quả; Từng bước xây dựng thương hiệu tốt, nâng cao chất lượng dịch vụ ngang tầm với các nước trong khu vực để thu hút chủ hàng sử dụng tàu của mình vận chuyển hàng hóa; liên kết chặt chẽ với nhau, xây dựng một hiệp hội có tiếng nói thống nhất để tạo sức mạnh cạnh tranh đối với các đội tàu nước ngoài. Thứ năm, nghiên cứu đổi mới phương thức đào tạo, tiêu chuẩn đào tạo lực lượng lao động vận tải biển như ưu tiên và đãi ngộ kinh phí đào tạo cho học viên ngành hàng hải, đầu tư công nghệ cao cho các trường hàng hải. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi đối với lực lượng lao động trong ngành nhằm khuyến khích lực lượng lao động gắn bó lâu dài với nghề. Thứ sáu, có chính sách huy động nguồn vốn đầu tư nhằm hiện đại hoá và phát triển đội tàu biển Việt Nam; hỗ trợ về cầu bến, có ưu đãi về giá dịch vụ như giá xếp dỡ hàng hoá, giá lưu kho, giá cước vận tải biển, giảm mức thu phí cho đội tàu biển Việt Nam; Áp dụng chính sách ưu đãi cho đội tàu biển Việt Nam được giảm giá hoặc hỗ trợ giá xăng dầu trong giai đoạn khó khăn như hiện nay; giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng là tàu, thuyền mức 5% v.v... Tài liệu tham khảo: 1. Lương Xuân Quỳ, Mai Ngọc Cường và Lê Quốc Hội, “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2009 và khuyến nghị chính sách cho năm 2010”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 150, 12/2009, trang 7-13. 2. Cục Hàng hải Việt Nam, “Báo cáo 5 năm thực hiện Bộ luật hàng hải Việt Nam (2011). 3. UNTAD Reports, Review of Maritime Transport, 2009-2010. 4. Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Tuyển tập văn bản quy phạm pháp luật, 2010.