Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm bày tỏ cảm ơn những hỗ trợ tích cực của IMO thông qua các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, tham vấn chuyên gia để Việt Nam có thể triển khai hiệu quả các công ước của IMO, bao gồm việc triển khai sửa đổi các công ước IMO một cách nhanh chóng.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp và tới nay đã cơ bản khắc phục hết 8 khiếm khuyết mà đoàn đánh giá IMO đã chỉ ra trong chương trình IMSAS năm 2019.
Việt Nam cũng đang chuẩn bị hoàn tất thủ tục nội bộ để gia nhập Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu năm 2004 (BWM 2004) và dự kiến Việt Nam sẽ gửi thông báo chính thức tới IMO trong tháng 12.
“Bộ GTVT Việt Nam hiện đang triển khai xây dựng Đề án Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại IMO và dự kiến trình Chính phủ đầu năm 2024. Theo đó, mục tiêu trước mắt sẽ là cử tùy viên hàng hải thường trực tại IMO để có thể tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các hoạt động của IMO. Do vậy, Việt Nam mong muốn nhận được sự ủng hộ của IMO và cá nhân ông Tổng thư ký để Việt Nam có thể triển khai thành công đề án này, tiến tới mục tiêu cao hơn là ứng cử vào thành viên Nhóm C của Hội đồng IMO sau năm 2025”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn, IMO tiếp tục cử chuyên gia hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện các hành lang pháp lý nhằm nội luật hóa hiệu quả quy định của các công ước IMO; Hỗ trợ triển khai đào tạo, tăng cường nhận thức và năng lực cho đội ngũ thuyền viên và nhân lực ngành hàng hải, đặc biệt là thuyền viên nữ.
Liên quan đến thực hiện mục tiêu giảm phát thải, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đang dành nhiều nguồn lực để triển khai Chiến lược sửa đổi của IMO về cắt giảm phát thải khí nhà kính từ tàu trong hoạt động vận tải biển quốc tế do IMO phát động. Do vậy, đề nghị IMO tiếp tục quan tâm dành các hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình thực hiện cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam ủng hộ sáng kiến của Tổng thư ký Kitack Lim trong việc thành lập quỹ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong tham gia, thực hiện các công ước của IMO, Tổng thư ký Kitack Lim cho rằng, Việt Nam là một trong số ít các nước duy trì được tốc độ phát triển kinh tế cao trong nhiều năm liền. Do vậy việc Việt Nam sớm mở văn phòng đại diện tại Anh hoặc cử tùy viên tại IMO trong thời gian tới sẽ rất hiệu quả.
“Việt Nam có dân số trong độ tuổi lao động lớn, làm việc chăm chỉ. Tôi tin rằng Việt Nam sớm đạt đc nhiều thành tựu về hàng hải trong thời gian tới”, Tổng thư ký Kitack Lim nói.
Nguồn: HTQT-IMO