Thứ trưởng Nguyễn Nhật cùng các đồng chí điều hành Hội nghị Cùng điều hành Hội nghị có Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình và Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu. Tham dự Hội nghị có đại diện các Vụ, Cục, các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ GTVT, đại diện Cục Cảnh sát biển, Bộ Tư Lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, các Sở GTVT, các doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp cảng biển, lai dắt, các công ty hoa tiêu, đại diện các chủ hàng… Hội nghị nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước tiếp cận tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp vận tải thủy nội địa tham gia hoạt động trên tuyến ven biển, đánh giá hiệu quả, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong việc khai thác tuyến vận tải ven biển đồng thời nắm bắt và đưa ra những chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển, khai thác có hiệu quả tuyến vận tải ven biển, góp phần tái cơ cấu vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải. Báo cáo tổng kết 03 năm triển khai tuyến vận tải ven biển, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, từ khi triển khai tuyến vận tải ven biển đến nay (từ 7/2014 đến 10/2017)có tổng số 1.551 phương tiện mang cấp VR-SB đang hoạt động. Sau 03 năm mở tuyến ven biển (Quảng Ninh - Quảng Bình - Bình Thuận - Kiên Giang), tổng khối lượng vận chuyển đạt 46.851.743 tấn, tính bình quân số hàng hóa đã chuyên chở đạt 1.171 tấn/tháng; đã có 48.313 lượt tàu sông pha biển vào, rời các cảng, bến thủy nội địa, cảng biển. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, các Cảng vụ ĐTNĐ, hàng hải làm thủ tục vào, rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển 23.035 lượt phương tiện với21.055.876 tấn hàng hóa được vận chuyển. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 4.800 lượt (162,9%), tăng7.362.090 tấn hàng hóa (+153,7%) thông qua cảng, bến thủy nội địa, cảng biển.
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc trình bày báo cáo tại Hội nghị Thông qua hoạt động của tuyến ven biển đã góp phần từng bước giảm tải cho vận tải đường bộ; thực hiện tốt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải, thúc đẩy tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, tạo sự kết nối trong vận tải. Tính đến ngày 30/11/2017, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đào tạo thuyền trưởng và thuyền phó điều khiển phương tiện đi ven biển mang cấp VR-SB được bồi dưỡng để cấp chứng chỉ là 2.415 người, như vậy đội ngũ thuyền viên có GCNKNCM, CCCM phù hợp để điều khiển phương tiện đi ven biển đã đáp ứng đủ về số lượng so với số phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB đang hoạt động. Đội ngũ thuyền viên được đào tạo cơ bản, có trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề cao, phù hợp với thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu vận tải và thực tiễn đề ra. Từ khi công bố tuyến vận tải (tháng 07/2014) đến nay có tổng số 1.551 phương tiện mang cấp VR-SB đang hoạt động; tàu chở hàng 971 chiếc (dưới 1000 tấn là 457 chiếc, 1.000 tấn đến 2.000 tấn là 316 chiếc, lớn hơn 2.000 tấn đến 5.000 tấn 167 chiếc, lớn hơn 5.000 tấn đến 10.000 tấn 20 chiếc trên 10.000 tấn 11 chiếc)tàu chuyên chở container 40 chiếc; tàu khách và tàu chở người 121 chiếc; tàu hút 133 chiếc; tàu khác (tàu cần cẩu, tàu đóng cọc, tàu thả phao, tàu kéo...) 286 chiếc. Kể từ khi triển khai tuyến vận tải ven biển đến nay đã xảy ra 17 vụ tai nạn, đâm va, mắc cạn, chìm đắm,sự cố liên quan đến phương tiện VR-SB trong quá trình hoạt động trên tuyến ven biển. Trong đó, 05 trường hợp tàu bị đắm, 04 trường hợp tàu mắc cạn, 03 trường hợp tàu gặp sự cố, 04 trường hợp đâm va với tàu cá, 01 trường hợp nước tràn vào. Nguyên nhân chính là do sự cố kỹ thuật, ảnh hưởng của thời tiết xấu, một số phương tiện hoạt động không đúng tuyến luồng được công bố, chưa có thiết bị cảnh giới tránh va.... Các phương tiện gặp nạn đã được Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải, các cơ quan chức năng có liên quan và ngư dân cứu nạn kịp thời, đảm bảo an toàn về người. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện vận tải trên tuyến ven biển, Bộ GTVT đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, các Cảng vụ tăng cường kiểm tra, tuyên truyền phổ biến các quy định đảm bảo an toàn khi phương tiện VR-SB hoạt động trên tuyến ven biển; kiểm tra các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị phát báo sự cố; kiên quyết không cấp phép rời cảng, bến cho các phương tiện không đảm bảo an toàn; yêu cầu thuyền trưởng lập kế hoạch hành trình, thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, khí tượng thủy văn, vật chướng ngại trên tuyến hành trình để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn cho chuyến vận tải.
Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III điểm cầu TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến Sau hơn 03 năm hoạt động, tuyến vận tải ven biển đã đạt được những hiệu quả nhất định, góp phần rất lớn vào bảo đảm tiến độ thi công các dự án trọng điểm quốc gia, nhà máy, khu công nghiệp ven biển. Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã quyết liệt đổi mới công tác quản lý, đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng tăng cường công tác quản lý, lắng nghe, nắm bắt thông tin, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vận tải và đạt được những kết quả khả quan, công tác này đã được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Về phương hướng triển khai thực hiện trong thời gian tới, báo cáo cho biết Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về đường thủy nội địa, hàng hải và các quy định liên quan, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quy định về phạm vi trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện VR-SB chạy vượt tuyến; kiểm soát tải trọng hàng hóa chuyên chở của tàu tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xây dựng phần mềm về quản lý hoạt động của phương tiện đi ven biển mang cấp VR-SB, để các Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực, Cảng vụ ĐTNĐ địa phương khi làm thủ tục cho phương tiện vào/rời cảng bến thực hiện cập nhật đầy đủ dữ liệu liên quan vào cơ sở dữ liệu để quản lý. Rà soát các quy định về định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa và chương trình đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa cho phù hợp với hoạt động của phương tiện mạng cấp VR-SB.
Đại diện doanh nghiệp đóng tàu phát biểu ý kiến tại Hội nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, đánh giá để có khuyến nghị với chủ phương tiện khi có nhu cầu đóng mới trong việc lựa chọn phương tiện có kích thước, trọng tải phù hợp để phát huy tối đa hiệu quả của phương tiện trong sử dụng, khai thác và phù hợp với quy hoạch. Triển khai Đề án lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa làm cơ sở triển khai thực hiện trên toàn quốc theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ GTVT sẽ sớm ban hành Thông tư sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng mới phương tiện thủy nội địa bắt buộc phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS trên cơ sở thẩm định của Bộ Khoa học công nghệ. Trong khuôn khổ Hội nghị, đã có 18 ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các doanh nghiệp vận tải, đơn vị thiết kế tàu biển, các chủ hàng hóa,… cùng đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn gây cản trở hoạt động của tuyến vận tải ven biển, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác có hiệu quả tuyến vận tải ven biển. Cũng tại Hội nghị, đại diện các đơn vị liên quan như Vụ Vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã giải đáp những vướng mắc của các doanh nghiệp với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho các doanh nghiệp vận tải ven biển phát triển. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định quan điểm của Bộ GTVT là phát triển mạnh tuyến vận tải ven biển, nhằm vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho đường bộ đồng thời tận dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng mà thiên nhiên ban tặng, kết nối hàng hóa giữa đường thủy và hàng hải… Theo Thứ trưởng, bất kỳ hình thức vận tải nào khi triển khai cũng có những ưu điểm và bất cập, qua các Hội nghị này, Thứ trưởng mong muốn sẽ dần hình thành tuyến vận tải ven biển với đội tàu SB đảm bảo an toàn, đảm bảo mục đích phục vụ xã hội tốt hơn, giảm tải cho đường bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu kết luận tại Hội nghị Thứ trưởng thống nhất cao với báo cáo của Vụ Vận tải cũng như các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị. Thứ trưởng giao Vụ Vận tải ghi nhận đầy đủ 18 ý kiến, phối hợp với các Cục liên quan trả lời đầy đủ, công khai để các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp được biết. Đối với các cơ quan QLNN, các Cục cần rà soát lại tất cả các thông tư, nghị định, quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tàu biển hoạt động một cách thuận tiện nhất, giảm chi phí và đảm bảo an toàn nhất. Các Cục phải xây dựng được cơ sở dữ liệu thuyền viên, người lái, chứng chỉ nhằm quản lý tốt đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phương tiện ra vào cảng. Thứ trưởng đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm cần xem xét, nghiên cứu để trả lời, xử lý các vướng mắc, bất cập được nêu tại Hội nghị. Thứ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để khắc phục những tồn tại để phát triển tuyến vận tải ven biển góp phần tái cơ cấu vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải./.Nguồn: mt.gov.vn