02/12/2014

Hội nghị quan chức cấp cao GTVT ASEAN lần thứ 37 (STOM37) và Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN lần thứ 20 (ATM 20) tổ chức tại cố đô Mandalay của Myanmar từ ngày 26 -29/11, đã diễn ra thành công tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả hợp tác trong khối. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng dẫn đầu. Tham gia Đoàn công tác gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban hợp tác….lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ có liên quan của Bộ GTVT.
Hội nghị ATM 20 thảo luận và thông qua báo cáo của STOM 37 và các chương trình, kế hoạch, dự án lớn của các Nhóm công tác: hàng hải, hàng không, đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi trong GTVT và khẳng định lại cam kết thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng GTVT ASEAN, an toàn giao thông và đơn giản hóa thủ tục vận tải; thông qua tầm nhìn hợp tác GTVT ASEAN sau 2015: “Hướng tới mục tiêu kết nối giao thông vận tải khối ASEAN sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn và bền vững hơn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh khối ASEAN cũng như thúc đẩy tăng trưởng và phát triển toàn khu vực”.
Phiên khai mạc ATM 20 tại Mandalay, Myanmar Trong lĩnh vực giao thông hàng hải, các Bộ trưởng thông qua Kế hoạch thực hiện thị trường vận tải biển chung ASEAN nhằm định hướng việc tiêu chuẩn hóa các quy trình, thủ tục và hài hòa các chính sách, quy định tiến tới tự do hóa hơn nữa dịch vụ vận tải biển trong khu vực; thông qua Kế hoạch về giao thông hàng hải sau năm 2015, gồm: (a) Hiện thực hóa Thị trường vận tải biển chung ASEAN (ASSM); (b) Hiện thực hóa các tuyến Ro-Ro ưu tiên trong ASEAN; (c) Nâng cao hệ thống hành hải và các biện pháp an ninh theo tiêu chuẩn quốc tế; và (d) Hình thành các sáng kiến và kiến nghị về chính sách cần thiết nhằm phát triển các hành lang logistics hàng hải chiến lược giữa ASEAN và các nước đối thoại. Tại Hội nghị ATM 20, Bộ trưởng GTVT các quốc gia ASEAN đã ký Thỏa thuận về Cơ chế hợp tác chung ASEAN đối với chuẩn bị, ứng cứu sự cố tràn dầu (OSRAP). Đây là Thỏa thuận quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho các quốc gia ASEAN trong việc phối hợp, huy động lực lượng và hợp tác lẫn nhau khi có các sự cố tràn dầu quy mô lớn xảy ra trên các vùng biển của ASEAN.
Đoàn Việt Nam tham dự và tham gia thảo luận tại Hội nghị
Bên lề Hội nghị ATM 20, Đoàn Bộ GTVT Việt Nam do Bộ trưởng Đinh La Thăng làm trưởng đoàn đã tiến hành họp song phương với Đoàn Bộ GTVT Myanmar do Bộ trưởng Nyan Htun Aung làm trưởng đoàn để thảo luận về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai nước. Tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng hai nước cần thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực GTVT, nhất là hàng hải, hàng không, đường bộ. Về hàng hải, Bộ trưởng đề nghị phía Myanmar thúc đẩy việc hoàn tất thủ tục nội bộ để có thể sớm ký được Hiệp định vận tải biển song phương với Việt Nam trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Nyan Htun Aung, việc phát triển hợp tác lĩnh vực GTVT giữa hai nước rất có tiềm năng. Trong năm 2015, sẽ hoàn thành nhiều chương trình hợp tác và dự án về phát triển cơ sở hạ tầng và cam kết xúc tiến nhanh việc hoàn tất thủ tục để ký Hiệp định vận tải biển giữa hai nước.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT Myanmar Tại cuộc họp song phương với Đoàn Philippines do Bộ trưởng Bộ Giao thông và truyền thông Joseph Emilio Aguinaldo Abaya làm trưởng đoàn, hai bên đánh giá cao mối quan hệ truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Philippines. Quan hệ hai nước hiện đang phát triển tốt đẹp trên hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại-đầu tư, khoa học-kỹ thuật, an ninh-quốc phòng, thủy hải sản. Đồng thời, bày tỏ sự ủng hộ chủ trương của Chính phủ hai nước gần đây trong việc nghiên cứu, xem xét nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới. Về lĩnh vực hàng hải, hai nước đã ký Hiệp định Vận tải biển năm 1992. Việc ký kết Hiệp định này đã tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu hàng hải giữa hai nước cũng như sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, thúc đẩy giao lưu thương mại và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh vấn đề về thuế cước và visa thuyền viên áp dụng đối với thuyền viên và tàu biển treo cờ Việt Nam chuyên chở hàng hóa xuất khẩu từ Philippines, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam tại thị trường Philippines. “Để giải quyết vấn đề này và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hai nước, Bộ GTVT hai nước đã trao đổi, xây dựng dự thảo Hiệp định sửa đổi thay thế Hiệp định đã ký năm 1992. Theo thông tin từ phía Philippines, Ủy ban Kỹ thuật về thuế và các vấn đề liên quan thuộc Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia Philippines (NEDA) đã chấp thuận cho phép tiến hành đàm phán sửa đổi Hiệp định với phía Việt Nam trên cơ sở trao đổi dự thảo sửa đổi giữa hai bên. Hiện nay, dự thảo Hiệp định sửa đổi của Philippines đã được gửi tới Bộ Tư pháp để thẩm định, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quancủa nước này để hoàn thiệntrước khi chuyển cho phía Việt Nam. Ngoài ra, hai nước cũng đã ký thỏa thuận song phương về Tìm kiếm cứu nạn trên biển năm 2010 và có hiệu lực vào ngày 06/12/2012. Bộ GTVT đã giao Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn với Cơ quan Phòng vệ bờ biển Philippines. Cho đến nay, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã chủ động xây dựng “Quy trình thông tin và biểu mẫu phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và Cơ quan Phòng vệ bờ biển Philippines” và nhất trí tăng cường các hoạt động phối hợp, hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển thông qua việc thiết lập kênh liên lạc trực tiếp giữa hai cơ quan.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông và truyền thông Philippines Trả lời những vấn đề Việt Nam đưa ra, Bộ trưởng Abaya cho biết, việc đánh thuế cước vận tải ông đã làm việc với Bộ Tài chính và nhận được sự ủng hộ vì hai nước đã tham gia Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, nên phía Philippines cũng phải chấp hành. “Riêng visa cho thuyền viên, luật Philippines quy định tất cả người lao động nhập cảnh phải có visa. Tuy nhiên, với những thuyền viên chỉ cập cảng để bốc xếp hàng hoặc nghỉ ngơi tôi sẽ làm việc với Cục Xuất nhập cảnh để đề nghị có chính sách miễn visa cho đối tượng này với tất cả công dân trong ASEAN”, ông Abaya khẳng định.
Đoàn công tác Cục HHVN chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Đinh La Thăng


     

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24909862
    • Online: 68