12/09/2014

Sáng 12/9, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với Bộ Giao thông công chính vùng Flander (Vương quốc Bỉ) tổ chức Tọa đàm lần 2 về Đề án xây dựng kế hoạch phòng chống rủi ro trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu, tiếp tục thảo luận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị nhằm hoàn thiện Đề án với chất lượng cao nhất.
Tham dự Tọa đàm, về phía Bộ GTVT có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Môi trường; về phía Cục HHVN có đại diện các phòng tham mưu, Văn phòng IMO Vietnam và một số Cảng vụ hàng hải; đại diện Ủy ban quốc gia TKCN, Viện Tài nguyên&Môi trường biển, Trung tâm Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ bảo vệ môi trường thủy (Đại học Hàng hải Việt Nam). Ngoài ra, còn có đại diện Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Bộ Môi trường), Ủy ban sông Mekong, Vietnam MRCC và đại diện các Cảng vụ Đường thủy nội địa. Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam và Cục HHVN báo cáo nội dung Đề án
Nhằm giảm thiểu rủi ro, sự cố và những ảnh hưởng liên quan, Việt Nam đã và đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý ô nhiễm biển và ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất và cháy nổ. Ngày 14/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu. Tuy nhiên, Quy chế này chỉ quy định việc tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả đối với các sự cố tràn dầu, mà chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động ứng phó sự cố hóa chất và cháy nổ. Đối với Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, hoạt động ngăn ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất và cháy nổ là công việc hết sức cần thiết, tuy nhiên vô cùng phức tạp, nguy hiểm, khó khăn, đòi hỏi sự tổ chức, phối hợp nhanh chóng, chặt chẽ của nhiều cơ quan, đơn vị và việc áp dụng các kỹ thuật chuyên ngành phù hợp. Thực hiện nghị định thư giai đoạn 2011-2013 được ký vào tháng 10/2010 giữa Cục HHVN và Bộ GTCC vùng Flander (Vương quốc Bỉ), Chính phủ vùng Flander đã hỗ trợ Cục HHVN và Cục ĐTNĐ Việt Nam nghiên cứu xây dựng kế hoạch phòng chống rủi ro trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa. Tháng 11/2013, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm lần thứ nhất nhằm lấy ý kiến các đơn vị, cơ quan hữu quan cho Dự thảo Đề cương. Đến nay, Cục HHVN và Cục DTNĐ Việt Nam đã phối hợp với các chuyên gia của Bỉ hoàn thiện báo cáo lần 2 Đề án này. Tại buổi tọa đàm, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã báo cáo hiện trạng công tác phòng chống, ứng phó sự cố tràn dầu, cháy nổ và đâm va trong hoạt động hàng hải và đường thủy nội địa và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống, ứng phó sự cố tại Việt Nam; Cục Hàng hải Việt Nam báo cáo Dự thảo Kế hoạch phòng, chống, ứng phó sự cố trong ngành GTVT. Giáo sư, tiến sỹ Luc Hens – Tư vấn cho Bộ GTCC vùng Flander - giới thiệu những nghiên cứu rủi ro về sự cố tràn dầu, hóa chất và những loại hàng không phải dầu và cũng không phải hóa chất (phân bón, thuốc trừ sâu…). Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những khó khăn trong quá trình thu thập số liệu liên quan đến các vụ tràn dầu, tràn hóa chất, cháy nổ trong vùng biển và vùng thủy nội địa Việt Nam. Theo ông, chỉ khi tập hợp đầy đủ số liệu và số liệu thật chính xác mới đưa ra được những phân tích, đánh giá rủi ro xác thực, trên cơ sở đó đề xuất một kế hoạch ứng cứu hữu hiệu…
Sau khi đi thực tế tại một số cảng của Việt Nam, ông cho rằng, việc vận chuyển phân bón bằng phương tiện thủy tại cảng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có thể coi là một hiểm họa cần đề phòng và phải được đánh giá toàn diện, đầy đủ… Ông cũng nhấn mạnh, sau mỗi sự cố, rủi ro, nếu không thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng lâu dài của thảm họa đó đối với môi trường, nền kinh tế, sức khỏe con người…, hay không đưa ra được con số chính xác chi phí để khắc phục sự cố, rủi ro đó… thì rất khó khăn cho việc xây dựng, đề xuất một kế hoạch phòng ngừa, ứng phó phù hợp… Giáo sư Luc Hens cũng gợi ý, cần đánh giá nghiêm túc ảnh hưởng của các rủi ro sự cố từ nhiều góc độ, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, và trên cơ sở bài học kinh nghiệm đề xuất phương thức giám sát hoạt động ứng cứu các sự cố, rủi ro và xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại cho các đối tượng liên quan. Đặc biệt, giáo sư Luc Hens còn đưa ra 7 kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa, ứng phó rủi ro trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa… Các ý kiến tại buổi tọa đàm chủ yếu tập trung đề nghị tổ nghiên cứu xây dựng Đề án cần gắn kết 3 báo cáo của Cục HHVN, Cục ĐTNĐ Việt Nam và của giáo sư Luc Hens để có thể đề xuất một kế hoạch ứng cứu rủi ro chung; cần xác định cụ thể phạm vi nghiên cứu; Đề án mới chỉ đề cập đến công tác ứng cứu, ứng phó, nên cần bổ sung thêm công tác phòng ngừa; nghiên cứu 7 đề xuất của giáo sư Luc Hens để đưa vào Đề án… Cục HHVN và Cục ĐTNĐ Việt Nam ghi nhận, tiếp thu ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm và tiếp tục hoàn chỉnh nội dung Đề án để sớm công bố chính thức. HỒNG MINH

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :22726951
    • Online: 160