Chiều 21/8, Đoàn công tác Cục Hàng hải Việt Nam, do Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng dẫn đầu, đã điều hành Cuộc họp về công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Phan Thiết - Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Tham dự Cuộc họp có đại diện: UBND tỉnh Bình Thuận, Thường trực Ban ATGT tỉnh Bình Thuận, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III, Chi cục Đăng kiểm số 5, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Công an tỉnh Bình Thuận, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, Đài thông tin duyên hải Phan Thiết, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, Đồn Biên phòng Thanh Hải, Ban Quản lý cảng Phú Quý; các doanh nghiệp vận tải biển: Hợp tác xã Vận tải biển Phú Quý, Hợp tác xã Vận tải biển Quê Hương, Công ty TNHH TM DV DL Hoàng Phúc, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đồng Tâm, Công ty TNHH Doanh Thương Việt Nhật, Trạm hải đăng Phan Thiết.
Giám đốc Nguyễn Anh Hữu báo cáo các mặt họat động của Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận tại Cuộc họp
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Phan Thiết - Phú Quý dài 55 hải lý; đầu bến Phú Quý có khả năng tiếp nhận tàu đến 1.000 DWT; đầu bến Phan Thiết có hai cảng, trong đó Cảng vận tải Phan Thiết chưa được công bố, hiện đang xuống cấp và Cảng cá Phan Thiết, được công bố cho tàu cá ra, vào hoạt động. Tuy nhiên, khu vực Phan Thiết chưa có cảng biển hay cảng thủy nội địa phù hợp cho tàu biển ra, vào nên tạm thời UBND tỉnh Bình Thuận cho phép sử dụng để tiếp nhận tàu khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý neo đậu. Luồng Phú Quý dài 3,2km, đã được đầu tư lắp đặt báo hiệu hàng hải, phao luồng, độ sâu trên 4m, đảm bảo cho tàu 1.000 DWT ra vào an toàn; luồng ra vào cảng Phan Thiết dài khoảng 1,1km, hiện đang bị bồi lấp, độ sâu luồng chỉ còn khoảng -2 m, chưa được khảo sát, đo đạc, lắp đặt báo hiệu hàng hải và phao luồng. Riêng luồng tàu ra, vào và vùng nước trước cảng Phan Thiết hiện đang được chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công nạo vét, khơi thông luồng lạch, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào tại khu vực. Hiện nay, tàu thuyền hoạt động trên tuyến Phan Thiết – Phú Quý chỉ có các tàu Việt Nam cỡ nhỏ nên tại khu vực chưa có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lai dắt, cứu hộ đăng ký hoạt động cũng như không có nhu cầu cung ứng hoa tiêu. Về công tác trực ban, giải quyết thủ tục cho tàu thuyền, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã bố trí trực 24/24h để nắm bắt tình hình hoạt động hàng hải tại khu vực; thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp cảng, các chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động trong khu vực phối hợp, xử lý khi sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp cùng các cơ quan chức năng quản lý tốt nhiệm vụ tại hai đầu bến Phan Thiết-Phú Quý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách trên tuyến được bảo đảm an toàn, không để sự cố đáng tiếc xảy ra; phối hợp với BCH.Biên phòng tỉnh Bình Thuận thực hiện giám sát và làm thủ tục cấp phép cho các tàu hoạt động chuyên tuyến từ bờ ra đảo Phan Thiết - Phú Quý cơ bản đi vào nền nếp đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, thông qua các cuộc kiểm tra an toàn, cấp phép phương tiện hoạt động, các cán bộ Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã thường xuyên nhắc nhở, quán triệt về công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động, định kỳ hàng năm đơn vị tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền các quy định về pháp luật hàng hải đến các chủ tàu, thuyền trưởng và doanh nghiệp cảng để có điều kiện nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành nghiêm hơn. Trong 8 tháng đầu năm 2014, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đã tiến hành kiểm tra 01 cảng biển; 04 lượt tàu biển, phát hiện 28 khiếm khuyết các loại. Đa số các khiếm khuyết phát hiện là các khiếm khuyết nhỏ, trước khi cho tàu rời cảng đều được các chủ tàu, thuyền trưởng khắc phục. Hiện nay, Cảng vụ đã xây dựng Quy chế phối hợp và điều hành hoạt động TKCN trên biển với Vungtau MRCC, BCH Biên phòng tỉnh Bình Thuận; xây dựng, phân công nhiệm vụ cụ thể, kế hoạch PCLB&TKCN năm 2014 cho từng bộ phận phòng ban, cá nhân trong đơn vị… để sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý khi có tình huống cần thiết xảy ra. Tại buổi làm việc, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cũng kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam sớm cho phép nạo vét tuyến luồng và vùng nước cảng Phan Thiết, lắp đặt hệ thống phao luồng báo hiệu để đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng hải tại khu vực. Các cơ quan, đơn vị TKCN tại khu vực cần bố trí các lực lượng cũng như phương tiện TKCN thường trực tại khu vực vùng biển tỉnh Bình Thuận để sẵn sàng đáp ứng kịp thời cho công tác TKCN khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Sau khi nghe ý kiến của Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cũng như ý kiến của các cơ quan ban ngành tại địa phương, các doanh nghiệp vận tải biển, Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận phải bố trí lịch kiểm tra hợp lý để tạo điều kiện cho các chủ tàu, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp; rà soát lại việc ký kết các quy chế phối hợp, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị… Phó Cục trưởng cũng đề nghị các đơn vị chức năng tại địa phương phối hợp quản lý chặt chẽ tại hai đầu bến Phan Thiết, Phú Quý; đồng thời, đề nghị địa phương có biện pháp hỗ trợ để nạo vét tuyến luồng vào cảng Phan Thiết. Công tác tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn hiện nay rất mỏng, do đó Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tại địa phương...; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển phải khắc phục các khiếm khuyết trên tàu, các trang thiết bị trên tàu phải trang bị đúng theo quy định và thuyền viên phải sử dụng thành thạo các trang thiết bị… CẢNG VỤ HH BÌNH THUẬN