22/09/2023

Ngày 21-9-2023, tại Vũng Tàu, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười đã tham dự hội nghị thường niên năm 2023 do Hiệp hội Cảng biển Việt Nam - VPA tổ chức, đánh giá hoạt động và đề ra phương hướng hoạt động trong năm 2024.

Hội nghị thường niên năm 2023 của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam tại Vũng Tàu

Tại hội nghị, thay mặt các cảng thành viên, VPA đã kiến nghị tới cơ quan và ngành hàng hải một số nội dung như: điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển cho sát hợp với quy mô đầu tư và nhu cầu phát triển của từng loại cảng biển; giảm nhanh mức độ bao cấp cho vận tải nội địa và quốc tế; tiệm cận nhanh với mức giá bình quân của khu vực, hiện còn quá chênh lệch bất lợi cho tiềm năng phát triển để cạnh tranh của toàn khối cảng biển Việt Nam và cũng là điều kiện thiết yếu để thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng biển.

Bên cạnh đó, cần khắc phục nhanh tình trạng khó khăn hiện có, tạo điều kiện thuận lợi cho cảng biển nạo vét, duy tu độ sâu trước bến theo nhu cầu bảo đảm an toàn hàng hải của hệ thống cảng biển quốc gia. Xem xét nhu cầu nạo vét duy tu độ sâu trước bến cảng. Ưu tiên đầu tư cho luồng lạch, giao thông kết nối cảng biển, kể cả đường sắt, đường sông. Nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cho các nhóm cảng biển; có đủ cơ chế đổi mới phát triển cảng biển quy mô vùng miền, có tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm về hiệu quả tổng thể, điều tiết thị trường có yếu tố nước ngoài cạnh tranh minh bạch, lành mạnh hơn để tổ chức thực hiện thành công quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo mục tiêu đề ra trong quy hoạch đến năm 2030.

Trong 8 tháng/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8%, tương ứng giảm 64,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu là 228,17 tỷ USD, giảm 9,8%, tương ứng giảm 24,79 tỷ USD và nhập khẩu là 208,27 tỷ USD, giảm 15,9%, tương ứng giảm 39,42 tỷ USD. Những khó khăn phát triển kinh tế đó đã tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực hàng hải.

Hệ thống cảng biển Việt Nam đã có sự phát triển nhất định, đạt được nhiều thành tựu to lớn như: hệ thống 34 cảng biển với tổng số 296 bến cảng/chiều dài khoảng 107km cầu cảng (gấp 5 lần so với năm 2000); thu hút được nhiều nhà đầu tư, nguồn vốn, thành phần kinh tế tham gia đầu tư cảng biển, trong đó có các tập đoàn khai thác cảng lớn, các hãng tàu quốc tế; các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước có kinh nghiệm quản lý khai thác cảng biển cũng tham gia đầu tư, thực hiện các dịch vụ khai thác cảng biển, tạo diện mạo mới trong đầu tư, quản lý, khai thác cảng, nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, sản lượng thông qua đạt 502,356 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó hàng container 16,239 triệu TEUs giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Cảng biển Việt Nam có Cụm cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) lọt vào top cảng container hoạt động tốt nhất thế giới (vị trí thứ 12 trên 348 cảng container trên thế giới). Với sự phát triển về cả quy mô hạ tầng và chất lượng dịch vụ cảng biển đã góp phần đưa cảng biển Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong hải trình vận tải biển toàn cầu.

Cục trưởng Lê Đỗ Mười phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Lê Đỗ Mười ghi nhận và đánh giá cao các thành tích mà Hiệp hội cảng biển Việt Nam, với nòng cốt là 83 doanh nghiệp cảng thành viên của Hiệp hội đã đạt được trong thời gian vừa qua, đó còn là sự đóng góp tích cực của các cá nhân, doanh nghiệp cảng; Nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột chính trị, thắt chặt chi tiêu điều này làm giảm sức tiêu thụ hàng hoá, kéo theo sự sụt giảm về sản lượng hàng hoá vận tải. Những bất ổn nêu trên đã và đang là một thách thức rất lớn đối với hệ thống cảng biển và toàn ngành hàng hải trong thời gian tới.

Cục trưởng Lê Đỗ Mười đề nghị các Hiệp hội, các doanh nghiệp cảng tiếp tục nghiên cứu, đồng hành với cơ quan quản lý nhà nước đề xuất đối sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp cảng biển nói riêng và kinh tế khai thác cảng biển Việt Nam nói chung các góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đồng thời, Cục HHVN cũng đề nghị các doanh nghiệp cảng tiếp tục nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời phải đáp ứng đúng quy định về an toàn lao động, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý vận hành cảng biển; đẩy mạnh tiến độ thực hiện tiến trình phát triển “cảng xanh”; thực hiện tốt các nội dung quy hoạch cảng biển Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030; loại bỏ sự cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá dịch vụ tại cảng biển, tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn để thu hút các hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt.động và từng bước đưa hệ thống cảng biển Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng và là đầu mối trung chuyển trong chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế trên thế giới./. 

Các đại biểu tham dự tại Hội nghị

Tổng hợp

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :21410065
    • Online: 172