ThS. ĐỖ
ĐỨC TIẾN
Phó Cục trưởng Cục HHVN
ThS. TRẦN
THỊ TÚ ANH
Phó trưởng Phòng KHCN&MT, Cục HHVN
Việt Nam là quốc gia
có đường bờ biển dài hơn 3.260km với tiềm năng to lớn trong việc phát triển kinh
tế biển và nằm trên tuyến đường hàng hải huyết mạch có lưu lượng tàu bè qua lại
rất lớn trên thế giới. Trong những năm qua, ngành Hàng hải là một ngành đóng vai
trò to lớn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tính đến nay, hệ thống cảng biển Việt Nam khá hoàn chỉnh từ Bắc
vào Nam với 44 cảng biển, tổng chiều dài cầu bến đạt khoảng 45km,
năng lực thông qua đạt gần 500 triệu tấn/năm. Sản lượng hàng hóa hàng năm liên tục
tăng trưởng ở mức cao, bình quân 5,2 triêụ tấn năm vào các năm 80 thì đến năm
1995 là 28 triệu tấn, năm 2000 là 80 triệu tấn và đến năm 2014 sản lượng hàng
hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 370 triệu tấn, tăng 14%
so với năm 2013. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, đến nay, ngành Hàng
hải Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng quá trình phát
triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với phương châm phát
triển ngành Hàng hải Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế gắn với bảo vệ môi
trường và phát triển bền vững, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và chính
sách pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã tích cực
đề xuất tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng
hải, trong đó Cục Hàng hải Việt Nam đã tiến hành nghiên
cứu “Đề xuất gia nhập Phụ lục III, IV, V, VI - Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô
nhiễm dầu từ tàu MARPOL” và đã được Chủ tịch nước phê chuẩn gia nhập vào ngày
16/10/2014.

Nhằm đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu của Phụ lục III, IV, V, VI - Công ước MARPOL khi Việt
Nam chính thức là thành viên, thì yêu cầu việc triển
khai các nhiệm vụ để thực thi các Phụ lục – Công ước MARPOL phải bảo đảm hài
hòa và thống nhất với quy định của Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Luật
Biển (UNCLOS 1982) và các công ước khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện phải đồng bộ, phù hợp nội dung, định
hướng các quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, quy hoạch phát
triển vận tải biển Việt Nam và quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp
tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt tại các Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014, số 1517/QĐ-TTg
ngày 26/8/2014, số 2290/QĐ-TTg; trong đó các Bộ, cơ quan, địa phương phải tích
cực chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai đúng tiến
độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; bảo đảm sự quan hệ chặt chẽ và phối hợp đồng
bộ giữa các Bộ, cơ quan, địa phương, việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn
thực hiện các Phụ lục III, IV, V và VI - Công ước MARPOL phải được tiến hành
thường xuyên, liên tục, kịp thời. Để thực hiện được các yêu cầu nêu trên, chúng
ta cần phải triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
1. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong
nước về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra trọng hoạt động hàng hải để
triển khai đầy đủ, toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định Phụ lục
III, IV, V và VI - Công ước MARPOL.
2. Tổ chức triển khai việc kiểm tra, đánh giá và cấp giấy
chứng nhận cho tàu theo yêu cầu của các phụ lục - Công ước MARPOL.
3. Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện nghĩa
vụ kiểm tra nhà nước cảng biển đối với tàu biển mang quốc tịch nước ngoài ra
vào cảng biển Việt Nam. Xây dựng hệ thống, biện pháp bảo đảm thực thi quy định
các Phụ lục III, IV, V và VI - Công ước MARPOL, bao gồm công tác kiểm tra, kiểm
soát để thực hiện trách nhiệm của quốc gia đối với tàu mang cờ quốc tịch Việt
Nam, trách nhiệm của quốc gia ven biển và trách nhiệm của quốc gia có cảng.
4. Xây dựng nguồn lực để
thực hiện công tác kiểm tra và chứng nhận tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam, thực
hiện điều tra tai nạn, xử lý đầy đủ và kịp thời các trường hợp vi phạm, bao gồm
cả việc đào tạo các thanh tra viên thực hiện các công tác kiểm tra nhà nước
cảng biển (PSC) và các biện pháp đánh giá, kiểm tra, kiểm soát hệ thống, kỹ
thuật của tàu.
5. Thiết lập và thực
hiện quy trình kiểm soát và theo dõi hoạt động của tàu thích hợp để hỗ trợ công
tác điều tra tai nạn hàng hải liên quan đến sự cố ô nhiễm một cách nhanh chóng,
chính xác.
6. Thành lập Ban chỉ
đạo triển khai thực hiện các Phụ lục III, IV, V và V - Công ước MARPOL bao gồm
đại diện các Bộ, ngành liên quan.
7. Tuyên truyền, phổ
biến nội dung các Phụ lục III, IV, V và VI - Công ước MARPOL tới các tổ chức,
cá nhân hoạt động trong lĩnh vực hàng hải và tàu thuyền hoạt động tại các cảng
biển tại Việt Nam.
8. Đầu tư xây dựng,
nâng cấp các hệ thống tiếp nhận chất thải tại các cảng biển theo quy định của
Phụ lục IV, V và VI - Công ước MARPOL.
9. Tập huấn, đào tạo
cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định tại Phụ lục III, IV, V và VI - Công
ước MARPOL.
10. Nghiên cứu, áp dụng
các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát, xử lý các chất thải phát sinh từ tàu.
11. Tăng cường hợp tác
với tổ chức quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và các quốc gia khác trong khu vực
nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo công chức, viên chức quản lý
và đội ngũ sỹ quan, thuyền viên và chuyển giao công nghệ liên quan đến thực
hiện Công ước MARPOL; thúc đẩy hợp tác song phương với các nước thành viên của
Công ước để tham khảo kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của
các nước.
Việc triển
khai tốt các quy định của Phụ lục III, IV, V, VI - Công ước MARPOL sẽ
góp phần tăng cường bảo vệ môi trường biển Việt Nam và
phù hợp với các chủ trương nêu tại Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Nghị quyết số 24-NQ/TW
ngày 03/6/2013 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài
nguyên và bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thực hiện công tác
kiểm tra nhà nước tại cảng biển, công tác tổ chức giám sát, điều tra, xử lý các
vi phạm bảo vệ môi trường của các tàu biển, tạo thuận lợi cho các tàu Việt Nam
hoạt động hàng hải trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội
đất nước. Điều này là phù hợp với xu thế chung của ngành Hàng hải thế giới, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao vị thế của
Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển.